Hoạt động: Chơi ngoài trời, trẻ 5-6 tuổi

Lượt xem:

Đọc bài viết

CHƠI NGOÀI TRỜI

– Đề tài: Sáng tạo các con vật từ nguyên vật liệu thiên nhiên và nguyên vật liệu

phế thải

– Trò chơi vận động: Cáo và thỏ

– Đối tượng: Mẫu giáo lớn

– Thời gian: 30- 35 phút

– Ngày dạy: 18/03/2021

– Giáo viên: Nguyễn Thị Cẩm Dịp

I/ Mục đích yêu cầu

1. Kiến thức:

– Trẻ biết chọn và sử dụng một số nguyên vật liệu thiên nhiên và nguyên vật liệu phế thải để tạo ra các con vật theo ý thích của mình.

– Trẻ nhận biết và gọi tên một số nguyên vật liệu : sỏi, cành cây khô, quả khô, lá cây, nắp chai, vỏ ngêu, vỏ sữa probio, vỏ sữa chua, vỉ trứng, lỏi giấy vệ sinh, giấy báo, lá dừa…

– Trẻ biết chơi trò chơi “ Cáo và thỏ “

2. Kỹ năng:

– Trẻ biết sử dụng một số kỹ năng đã học như: xé dán, cắt dán, sắp xếp, đan, tết… để tạo ra các con vật theo ý thích của trẻ.

– Rèn kỹ năng quan sát, sự khéo léo, phản xạ nhanh khi tham gia hoạt động.

– Phát triển trí nhớ, trí tưởng tượng cho trẻ.

3. Thái độ:

– Trẻ tự tin nói được điều mình thích, không thích, những điều trẻ có thể làm được.

– Trẻ vui vẻ, hứng thú tham gia vào hoạt động.

– Trẻ có ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường.

II/ Chuẩn bị:

1. Địa điểm: Ngoài sân

2. Đồ dùng của cô:

– Một vài sản phẩm bằng nhiều nguyên vật liệu thiên nhiên và nguyên vật liệu phế thải.

– Loa đài, âm nhạc.

3. Đồ dùng của trẻ:

– Rổ cho mỗi trẻ để nhặt các nguyên vật liệu mà trẻ thích.

– Một số nguyên vật liệu: lá cây, sỏi, vỏ ngêu, nắp chai, vỏ sữa…

– Mũ cáo, thỏ.

III/ Tiến hành hoạt động:

1*  Sáng tạo các con vật từ nguyên vật liệu thiên nhiên và nguyên vật liệu phế thải

– Cô và trẻ ra sân, vừa đi vừa hát

   Câu hỏi dự kiến để trẻ trải nghiệm:

-Các con đang cùng cô đi đâu?

 A! Các bạn nhìn thấy sân trường hôm nay của chúng ta có gì khác không?

– Có những con vật gì nào?

+ Các con nhìn xem đây là con gì? Cô làm từ nguyên vật liệu là gì nào?

+ Thế bạn nào giỏi có thể cho cô biết để làm được con trâu cô đã làm như thế nào không?

– À đây là một chú trâu rất là dễ thương được cô làm từ nguyên vật liệu là lá mít đấy các con.

+ Vậy còn đây là con gì?

– Đây là con cá đấy các con.

+ Thế những chú cá ngộ nghĩnh đáng yêu này cũng được cô làm từ nguyên vật liệu gì?

+ Vậy đây là gì các con có biết không?

– À cô đang làm con sâu róm đấy các con. Sâu này có rất là nhiều lông, lông của nó thì lại rất là ngứa nên khi chơi trong sân trường các con thấy thì phải nhớ gọi cho các cô nhé!

– Từ những chiếc lá rụng mà hôm qua các con trực nhật nhặt lá trong sân trường, cô có thể tạo ra những con vật, những bức tranh rất là đẹp. Thế các con có muốn tạo ra những bức tranh rất là đẹp giống như cô không?

– Vậy hãy cùng đi theo cô nào? Thế trước mặt các con cô có những nguyên vật liệu gì đây ?

+ Cô khơi gợi ý tưởng của vài trẻ: Với những nguyên vật liệu này con thích chọn nguyên vật liệu nào? Và ý tưởng của con là gì?

– Để thể hiện được ý tưởng của mình thì mỗi bạn hãy lên lấy một chiếc rỗ và lựa chọn nguyên vật liệu mà mình thích. Sau khi bạn nào đã chọn được nguyên vật liệu rồi thì hãy chọn cho mình một vị trí ngồi mà con thích nhé!

( Trong quá trình trẻ thực hiện cô mở nhạc nhẹ và gợi ý cho trẻ có thể lựa chọn thêm nguyên vật liệu mà mình thiếu. Hoặc khơi gợi ý tưởng nếu trẻ chưa biết sẽ làm gì )

– Cô khen ngợi động viên trẻ về các sản phẩm tạo ra.

2. Trò chơi vận động: Cáo và thỏ

– Cô cho trẻ nhắc lại tên trò chơi.

– Cô hướng dẫn cách chơi+ luật chơi.

+ Cách chơi:
          Cô chọn một bạn làm cáo và các bạn còn lại sẽ làm thỏ, cô sẽ dán một đoạn dây để làm chuồng thỏ. Bắt đầu trò chơi, các chú thỏ sẽ cùng nhảy đi kiếm ăn, vừa nhảy vừa giơ bàn tay lên đầu vẫy vẫy (giống tai thỏ) vừa đọc bài thơ: “ Chú thỏ con”. Sau khi cáo xuất hiện, cáo “gừm, gừm” đuổi bắt thỏ. Khi nghe tiếng cáo, các chú thỏ chạy nhanh về chuồng của mình. Những chú thỏ bị cáo bắt đều phải ra ngoài một lần chơi.

Luật chơi:
          Các chú thỏ hãy chạy thật nhanh về chuồng của mình nhé bạn thỏ nào bị cáo bắt sẽ phải ra ngoài một lần chơi. Các bạn sẽ cùng đổi vai cáo cho nhau nhé!

– Cô cho trẻ chơi một vài lần tùy theo thời lượng thời gian.

– Sau khi trẻ chơi xong cô nhận xét+ tuyên dương trẻ.

– Cho trẻ chuyển qua hoạt động khác.